VĂN HÓA - XÃ HỘI
Đình Chi Đông là tên gọi theo địa chỉ làng, thuộc thôn Chi Đông, xã Lệ Chi. Đình được xây dựng trên một khu đất cao, rộng rãi, thoáng mát trong khu dân cư của dân làng. Đình quay hướng Nam. Cách quy hoạch này đã đem lại sự thuận tiện trong quá trình sử dụng và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của dân làng. Phía trước mặt là đất canh tác và cây đa cổ thụ, qua khu vườn là đường dẫn rộng vào khu kiến trúc chính. Đình có kết cấu chữ đinh gồm tiền tế và hậu cung.
Tiền tế là một tòa nhà rộng rãi làm theo kiểu nhà bốn mái với các góc đao cong ngược lên, đầu của mỗi đao hình đuôi cá. Bên trên ngọn đao là phần bờ dải uốn cong, thoáng nhìn giống hình mũi thuyền. Bờ nóc, bờ dải đắp kiểu bờ đinh, giữa bờ nóc đắp nổi đề tài lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu đốc vỉ ruồi trang trí hình rồng cách điệu. Lòng nhà chia năm gian hai dĩ. Gian giữa lòng thuyền làm nơi tế lễ, các gian bên tôn cao làm nơi hội họp việc làng. Nền nhà lát gạch bát vuông, xung quanh bó vỉa gạch trên nền cao 50cm so với mặt sân. Bộ khung của nhà đại đình rất bề thế và vững chắc. Bốn bộ vì chính và phần kết cấu hai mái hồi được liên kết chặt chẽ bằng hệ thống xà đai thượng, hạ. Các bộ vì được làm giống nhau theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ, phía ngoài là kẻ chuyền”.
Trong kiểu vì này, giá chiêng được tạo ra bằng hai cột chốn đặt trên câu đầu, các rường nách được đặt thưa, kẻ dưới được làm cong, trên có ván dày để đỡ khoảng hoành, hai chái nhà làm hệ thống rường, kẻ để đỡ mái hồi, các con rường được đặt một thanh xà to, nối cột cái với cột góc. Rường có một đầu ăn sâu chân mộng vào thân cột, đầu kia đỡ hoành, kẻ dưới làm cong giống với các vì chính, hai vỉ ruồi của hồi nhà làm bộ vì nhỏ kiểu chồng rường.
Các góc mái nhà làm một kèo xó hình cổ ngỗng chạy từ cột góc lên tới bên dưới thượng lương. Phân cách các gian là hàng chân cột của mỗi vì. Cột có kích thước lớn kiểu “thượng thu hạ thách” đặt trên các chân tảng bằng đá xanh trên tròn dưới vuông. Đường kính cột cái là 58cm, cột quân là 42cm, cột con là 30cm.
Trang trí trên kiến trúc nhà đại đình chủ yếu tập trung vào các bức cồn nách. Cốn bên trái mặt trong trang trí đề tài tùng lão, mặt ngoài trang trí đề tài “ngũ linh quần hội”. Cốn bên phải mặt ngoài trang trí đề tài “ngũ linh quần hội”, mặt trong trang trí mai lão. Bốn đầu dư chạm nổi, kết hợp chạm lộng hình đầu rồng, miệng ngậm ngọc, râu xoắn, nghệ thuật thế kỷ XVIII. Các trụ đấu, kèo xó, kẻ hiên, đầu vẽ trang trí văn hoa lá.
Hậu cung đình là một nếp nhà ba gian chạy dọc về phía sau khi tạo thành hình chữ đinh, nhà xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài cổ, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh không trang trí. Nền nhà hậu cung tôn cao 20cm so với tiền tế, được lát bằng gạch Bát Tràng. Các vì được làm theo kiểu kèo cầu quá giang, mái phân thượng tam, hạ tam. Nội thất chia làm hai phần, phần gian bên ngoài nơi đặt các đồ thờ tự như hương án, kiệu rước, hạc thờ. Hai gian trong được ngăn cách bằng một hệ thống cửa bức bàn và một vì cốn đỡ mái làm cung cấm, trong cung cấm đặt các hương án bằng gỗ, trên đặt hai cỗ long ngai, bài vị và các đồ thờ tự. Trang trí trên kiến trúc của nhà hậu cung chủ yếu tập trung trên vì cốn với các đề tài chạm nổi, chạm lộng hình rồng chầu mặt trời lửa. Hai cốn nách trang trí hình rùa chở hà đồ. Cốn bên phải long mã. Các con rường, đấu chạm văn hoa lá.
Lịch sử của đình được gắn liền với nhân vật được dân làng tôn làm Thành hoàng. Đình Chi Đông thờ hai vị thần hoàng làng là Châu Đô Thống Đại Vương và Đức Trần Hưng Đạo Đại Vương. Thuộc về hai giai đoạn lịch sử khác nhau. Châu Đô Thống dưới triều vua Hùng Vương thứ 6 có công đánh giặc Ân giành độc lập dân tộc trong buổi đầu dựng nước. Hưng Đạo Đại Vương vị anh hùng dân tộc góp công lớn trong ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông xâm lược ở thế kỷ XIII. Sự tích của các thần thành hoàng làng được ghi lại như sau:
Đại vương họ Trần tên là Uyên giữ chức Châu Đô Thống dưới triều vua Hùng, thống lĩnh toàn bộ binh mã trong thiên hạ. Lúc bấy giờ có giặc Ân kéo sang xâm lược đóng doanh trại ở dưới chân núi Châu Sơn, vua sai người tài giỏi giúp nước. Khi ấy ở làng Phù Đổng có Đổng Thiên Vương mới lên ba tuổi, đang năm trên chõng tre, nói với sứ giả rằng: “Nhà ngươi hãy mau về nói với nhà vua ta muốn có một con ngựa sắt, một chiếc roi sắt, một chiếc áo giáp sắt thì sẽ không lo gì không phá được giặc nữa”.
Châu Đô Thống từ khi theo Đổng Thiên Vương đi đánh giặc, lập nhiều công lao. Vua Hùng liền sai xem xét bên cạnh khu tre ngà có ba sông hội tụ, bèn cho xây dựng đền thờ phong làm Tam Giang Đại Vương ở vùng sông Thiên Đức, cạnh làng Phù Đổng, ban cho một khu đất bãi để tiện việc phù trì Thiên Vương. Về sau ngài lại hiển ứng ở bờ hữu sông Thiên Đức, thuộc địa phận thôn Đông làng Lệ Chi, huyện Gia Lâm, nhân dân lập miếu để thờ phụng.
Trải qua các triều đại Lê, Lý, Trần cứu nước giúp dân rất linh ứng nên được phong tặng là Đức Thánh Đại Vương, ban thưởng cho mỹ tự có ghi chép đầy đủ trong sách thờ cúng. Và ban sắc cho thôn Đông từ trước đến nay thờ phụng tôn thần thành hoàng làng. Châu Uyên Đại Vương nguyên được phong tặng là Linh phù dực bảo chung hưng, cứu nước giúp dân, các đời đều ban cấp sắc phong cho dân thờ phượng.
Đức Đại Vương Trần Quốc Tuấn là hoàng thân của nhà Trần. Năm Thiệu Bảo thứ 7 (1283) đời Trần Nhân Tông, quân Nguyên kéo sang xâm lược nước ta. Vương thống lĩnh các tướng tả hữu và các đạo quân thủy, bộ đến đón đánh giặc ở biên ải, lại huy động thêm quân ở các lộ Đông Hải, Vân Trà, ba điểm đánh thắng quân lớn quân Thoát Hoan ở núi Vạn Kiếp.
Vua Nguyên lại cho sắc chỉ sai Văn Hổ huy động 50 vạn quân, đóng 300 chiến thuyền kéo sang hội quân ở sông Bạch Đằng. Vương sai đóng cọc trên sông Bạch Đằng cho phủ cỏ lên trên cọc. Lúc bây giờ nhân lúc thủy triều dâng lên, Vương sai tướng đem quân khiêu chiến, giả vờ thua chạy, quân giặc đuổi theo rất đông, quân ta quay lại ra sức đánh, bắt được tướng giặc Ô Mã Nhi. Quân ta chiến thắng trở về, khi xét công đánh giặc Nguyên, ngài được phong là Đại vương. Về sau Phạm Nhan lại kéo quân sang xâm lấn, Vương lại phụng mệnh đem quân đi đánh dẹp, truy kích quân giặc đến núi Vạn Kiếp phá tan được chúng.
Hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, dân làng Chi Đông tổ chức lễ hội long trọng để tưởng nhớ tới công lao của nhị vị Thành hoàng làng, những người đã có công lao với dân với nước. Ngày 20 tháng 8 âm lịch là ngày giỗ Đức thánh Trần Hưng Đạo.
Trải qua thời gian dài tồn tại, qua những biến đổi thăng trầm của lịch sử, đến nay di tích đình Chi Đông vẫn còn bảo lưu được một số di vật văn hóa có giá trị cao, nhiều về số lượng và đa dạng về chủng loại gồm bốn bộ đôi câu đối sơn son thếp vàng, một bộ lỗ bộ, một hương án sơn son thếp vàng lộng lẫy, bốn bát hương sứ men trắng vẽ lam, một chóe sứ men trắng vẽ lam ...
Đặc biệt là bộ sắc phong gồm 15 đạo, có các niên đại trải dài từ thời Lê - Tây Sơn đến Nguyễn. Trong đó sắc sớm nhất có niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 2 (1741), Chiêu Thống nguyên niên (1783) và quả chuông đồng có hiệu Thiệu Trị nguyên niên (1841). Căn cứ các tài liệu trên cho biết niên đại khởi dựng đình Chi Đông vào khoảng những năm cuối của thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII.
Đình Chi Đông là di tích tôn giáo tín ngưỡng mang giá trị nhiều mặt trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Giá trị của di tích được ẩn tàng trong nội dung lịch sử, khối kiến trúc vật chất hiện còn. Song nội dung lịch sử và vẻ độc đáo của những công trình kiến trúc được đưa di tích vượt ra khỏi không gian hạn hẹp của làng quê để hòa nhập vào kho tàng di sản văn hóa nước nhà.
Đình Chi Đông được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật năm 1996./.
BẢN ĐỒ
VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA đảng ỦY
- Xã Lệ Chi tổ chức tọa đàm chuyển đổi cây trồng theo vùng quy hoạch đảm bảo ATTP, VSMT.
- Hội CCB xã Lệ Chi tổng kết 5 năm phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2014 – 2019.
- Trao tặng tủ sách cho nhà văn hóa thôn Chi Nam, xã Lệ Chi.
- Thường trực Huyện uỷ làm việc với Ban chấp hành Đảng bộ xã Lệ Chi
- Hướng dẫn số 05-HD/HU ngày 27/02/2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy
VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA UBND
- Khám và cấp thuốc miễn phí cho bà con họ Dương xã Lệ Chi, Kim Sơn.
- Xã Lệ Chi đón bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
- Ra mắt câu lạc bộ uống có trách nhiệm vì ATGT Hội phụ nữ xã Lệ Chi.
- Xã Lệ Chi tuyên truyền, tập huấn phòng PCCC năm 2019.
- Ủy ban MTTQ huyện Gia Lâm bàn giao 02 nhà Đại đoàn kết tại xã Lệ Chi