VĂN HÓA - XÃ HỘI

Di tích đình, chùa nghè Sen Hồ
Ngày đăng 02/11/2022 | 07:30  | Lượt truy cập: 222

Cụm di tích thuộc thôn Sen Hồ, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội là kiến trúc truyền thống đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư làng xã, đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật năm 1992.

Theo thần phả, sắc phong cùng truyền thuyết dân gian ở địa phương thì đình, nghè Sen Hồ thờ nhân vật lịch sử thời Hùng Vương là Hùng Hiển, người có công đánh thắng giặc Ân. Hùng Hiển được thờ làm thần hoàng tại đình, nghè Sen Hồ. Hàng năm, dân làng tổ chức lễ hội vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch. Ngoài phần tế được thể hiện theo tục lệ cổ truyền và các nội dung thần phả đã để lại, lễ hội còn có các trò chơi dân gian như chọi gà, cờ người…

Đình Sen Hồ được xây dựng theo hướng Đông Nam trông ra một ao nhỏ, có kiến trúc thời Lê Trung Hưng. Nhà đại đình gồm năm gian, hai dĩ xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta.

heo cuốn thần phả “Đại vương ngọc phả” do Hàn lâm Đông các đại học sỹ Nguyễn Bính phụng soạn ngày 10/9 năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) còn lưu giữ tại Đình cho biết, chùa Vạn Xuân đã tồn tại từ thời Hùng vương thứ 6 cùng với các vị Thần hoàng làng. Chính thời gian này, một vị long thần được thờ trong chùa đã báo mộng cho Hùng Dược biết việc mình sẽ sinh ra (đầu thai) vào bà phu nhân Đỗ Thị Thục để sinh ra Hùng Hiển. Sau này, vị thần hoàng của làng đã về đóng quân, xây dựng đồn lũy bên cạnh chùa. Như vậy, có thể thấy rằng ngôi chùa đã tồn tại vào trước năm 1572, khi quan Hàn Lâm Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn cuốn thần phả.

Chùa Vạn Xuân ngày nay tọa lạc ngay sát bên phải của kiến trúc Nghè. Chùa có quy mô kiến trúc nhỏ hình chữ đinh, trước tiền đường có một sân gạch vuông nhỏ. Sát bên ngoài cửa sân dựng cây hương đá thời Lê Trung Hưng. Nhà tiền đường được xây dựng theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, đầu của hai tường hồi trước xây trụ biểu cao gần ngang với nóc mái. Trụ có hình mặt cắt ngang hình vuông, đỉnh đắp cao bốn chim phượng chụm đuôi vào nhau thành hình trái giành, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp dạng bờ đinh, chính giữa xây mảng tường nhỏ để ghi tên chùa bằng ba chữ Hán cổ “Vạn Xuân tự”.

Cùng với hệ thống tượng Phật, chùa Vạn Xuân còn bảo lưu hệ thống các di vật, đây là nguồn tư liệu quý giá, là cơ sở khẳng định sự tồn tại, quá trình hình thành, phát triển của di tích cũng như địa phương với các hiện vật tiêu biểu như: Một cây hương đá niên hiệu Bảo Thái thứ 4 (1723); Một quả chuông đồng “Vạn Xuân tự chung”, niên hiệu đúc ghi trên chuông là ngày 3/3 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845).

Chùa Vạn Xuân tọa lạc cùng với di tích đình và nghè tạo thành cụm di tích đẹp của thôn Sen Hồ.

BẢN ĐỒ

Quảng cáo

LIÊN KẾT

Số lượng truy cập

Đang truy cập: 7
Tổng: 4.343.710